12.11.19

Anh trở về trên đôi nạng gỗ: (Kỳ 4)



A20 Vũ Ánh

“Thôi người ta sao mình vậy”

Tôi trở nên quen thân với “nhóm thương phế binh” của Tính chỉ trong một thời gian ngắn sống trên hè phố với họ. Hiên rạp Cao Ðồng Hưng trở thành mái nhà chung của họ vào ban ngày. Ðến khuya họ thường phân tán vào hàng hiên của các ngôi nhà có hàng hiên quanh đấy ngủ để tránh tập trung, công an có thể để ý. Những ngày Mùa Hè đôi khi tôi nằm với họ ở ngoài trời cho mát và vui  thay vì ngủ nhà. Khi nào tôi được khách sộp Việt kiều tặng tiền tip nhiều, đều mua bia hơi đãi cả nhóm. Chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau tới khuya rồi trải poncho ngủ. Tính tìm cách đút lót cho mấy tên công an quận Bình Thạnh thường hay ruồng bố bắt người ngủ ngoài đường phố tống vào các trại tạm trú bằng tiền đóng góp chung của cả nhóm hàng tháng (gọi là trại tạm trú cho oai chứ thật ra là một số trại giam được dựng lên để nhốt đám trẻ bụi đời, xì ke ma túy, gái mại dâm vào mỗi dịp cần “làm sạch” đường phố trong những dịp lễ quan trọng).
Tôi đề nghị mãi Tính mới chịu cho tôi đóng góp một phần số tiền xâu này. Thật ra số tiền góp chỉ đủ mua hai bao thuốc thơm Jet, loại thuốc sản xuất ở Thái Lan, có mùi thơm nồng được chuyển lậu vào Việt Nam qua ngả biên giới Nam Việt Nam mà đám cán binh Cộng Sản rất mê hút.
Có lẽ trong cả nhóm chỉ có Thuận là nhỏ tuổi nhất, đi lính muộn nhất nhưng lại bị thương sớm nhất. Mới nhận đơn vị hai ngày là lãnh một quả pháo kích mất chân trái và bàn tay phải. Thuận lại nhỏ thó nên cả nhóm đặt tên anh là “Thuận thỏ”. Thuận thỏ lưu lạc từ một làng nhỏ thuộc quận châu thành tỉnh Phong Dinh (tỉnh lỵ là Cần Thơ) lên Sài Gòn. Ấn tượng mạnh nhất mà Thuận thỏ còn nhớ được là lúc bị pháo kích bị thương và bị loại khỏi vòng chiến từ đầu năm 1971. Tôi thắc mắc mãi về lý do Thuận thỏ phải đi lính trong khi anh có thể được hoãn vì trong gia đình anh là con trai duy nhất. Thuận thỏ chỉ có 3 anh em, một chị gái và một em gái.
- Như vậy, cậu là con trai duy nhất, luật cho phép cậu miễn không phải đi lính chứ? - Tôi hỏi Thuận thỏ.
- Má em cũng biết như vậy và có làm đơn khiếu nại, nhưng ông xã trưởng nói người ta sao mình vậy. Cứ đi đi, chết cũng khó lắm. Một là xanh cỏ hai là đỏ ngực, thanh niên trai tráng thời nay phải mạnh lên chứ ru rú trong nhà biết ngày nào khôn?
- Thế rồi sao, có lên Cần Thơ khiếu nại không?
- Không anh, hồi đó má và chị em có biết gì đâu, em còn nói với mẹ em: Thôi má, cứ để con đi, người ta sao mình vậy. Thanh niên trong xóm đi hà rầm có sao đâu. Sau này em mới biết là mấy thằng bạn em đều lính kiểng cả, chỉ có em là thụ huấn 9 tuần tại Trung Tâm Huấn Luyện Chi Lăng rồi nhận đơn vị ở Trung Ðoàn 31 đóng tận Bạc Liêu. Má và chị em mừng lắm. Bả nói: Ði lính có khác, lớn hẳn ra, rắn rỏi chứ không như bún thiu khi còn ở nhà. Em nhận đơn vị được 2 ngày tại Tiểu Ðoàn 1 Trung Ðoàn 31, Sư Ðoàn 21 Bộ Binh thì đơn vị em lên đường tham dự hành quân ở Chương Thiện.
- Rồi sao, lãnh quả ngay à?
Thuận thỏ thực thà “khai báo”:
- Em nói này nghe tức cười lắm, nhưng anh đừng cười. Em vốn nhỏ con nên khi lãnh súng đạn, mũ sắt, ba lô, lượng thực, đeo tất cả trên người một trọng lượng có lẽ cũng nặng gần bằng sức nặng thân hình em. Thằng bạn cùng tiểu đội em nó nói: Mày mang ít gạo sấy thôi. ÐM đi hành quân ở vùng này mà mang gạo sấy làm chi. Thấy nó nói như vậy nhưng em không nhìn thấy nó vất gạo sấy đi nên em cũng rét không vứt. Lần đầu tiên em được đi trực thăng. Tiểu đoàn được trực thăng bốc lên phi trường Chương Thiện rồi từ Chương Thiện lại được bốc bằng trực thăng vào vùng hành quân bên bờ một con kinh em cũng không còn nhớ tên (nhưng tôi hiểu đó là một trong những con kinh gần như nối vào con kinh Thác Lác chạy từ biên giới hai tỉnh Bạc Liêu - Chương Thiện lên tận Bãi Sào, Sóc Trăng, nơi tôi thường tường thuật các cuộc hành quân Dân Chí của Sư Ðoàn 21 Bộ Binh). Khi sắp nhảy ra khỏi trực thăng em sợ muốn đái ra quần. Ông đích thân của em phải đạp em xuống.
Thuận thỏ diễn tả sôi nổi hơn:
- Ðại đội vừa xuống, ông đích thân của tôi ra lệnh lập đội hình hàng ngang và ông cho xung phong vào mục tiêu ngay. Súng trong làng bắn ra nổ như bắp rang. Khi tụi em vừa được lệnh nằm xuống tại bờ ruộng thì ngay lập tức bị chúng pháo kích. Loạt đạn đầu bị thương mấy con, nhưng loạt hai là tới phiên em. Một miểng cắt bàn chân ống quyển bên trái và cánh tay phải. Tức cười lắm, em đang nằm chúi đầu xuống bờ ruộng thì nghe những tiếng nổ. Tiếng xì xì và tiếp theo em, cảm thấy như có ai đá hất mạnh vào chân và tay, bật ngửa người nằm ngửa thấy trời đất quay cuồng rồi không biết gì nữa.
- Chuyển về đâu? - Tôi hỏi Thuận thỏ.
- Ðầu tiên về tạm bệnh viện quân và dân y Chương Thiện, sau đó chuyển về Cần Thơ. Mẹ và chị em vào thăm, khóc quá trời. Em thì lúc đó người tê dại vì những cái thiếu bất ngờ trên cơ thể, chứ chưa trải qua những đau khổ dằn vặt sau này khi em được giải ngũ về với gia đình. Cái số cả thôi anh ơi. Sau ngày 30 Tháng Tư năm 1975, em sống trong làng em không nổi vì cái bọn “cách mạng” mất dậy trong làng. Chúng nó đì gia đình em dù em chỉ là lính trơn và chưa bắn được viên đạn nào khi ra trận.
- Vào Sài Gòn lấy gì sống, ở nhà còn mẹ già và chị?
- Thây kệ. Rồi em cũng sống được. Bán nhang như anh Tính. Em còn một chân, một tay nhưng em nhỏ thó, lại đẹp trai nên người ta cũng thương. Mấy con nhỏ bán hàng rong gặp em chúng chọc em sao, anh biết không. Bọn nó nói trông em thấy thương muốn lấy làm chồng quá, nhưng thời buổi kinh tế xã hội chủ nghĩa này nhắm nuôi không nổi nên đành nhịn thương thôi.
Ngó lại thì thấy Thuận thỏ đẹp trai thật. Cảnh khổ mà Thuận thỏ phải trải qua trong nhiều năm không giết chết được nụ cười của chàng thương phế binh này. Tính cho biết:
- Nhờ ăn nói khéo, vẻ mặt khôi ngô và lúc nào cũng sạch sẽ dù sống bụi nên nhiều khi nó đưa ra một bó nhang, người ta mua thêm cho hai ba bó.
- Thế cậu tắm giặt ở đâu mà sạch được?
Thuận thỏ trả lời:
- Em còn một chân và tay mà. Vẫn giặt đồ được. Ở cuối đường Lê Quang Ðịnh có mấy nhà tắm tư nhân. Bỏ vài trăm tắm giặt cả giờ. Vấn đề là mình có siêng hay không thôi. Anh Tính là vua lười, “khinh” tắm, giặt. Bữa nào phải trả tiền tắm giặt thì thay vì ăn cơm đĩa mình “thổi harmonica” (ăn bánh mì).
An Pha  (A20 Vũ Ánh)
(Còn tiếp)

(Bài viết đăng trong mục “Sổ tay Cựu Chiến Binh” trên báo Người Việt ngày thứ Ba 22-03-2005)
(Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=27950)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét