8.11.19

CHỮ & NGHĨA



A20 Nguyễn Văn Học - Mũ Nâu Thiện Xạ

       Thưa quý Bạn,

       Hôm tham dự buổi ra mắt của Tân Ban Chấp Hành Hội BĐQ Nam Cali nhiệm kỳ 2006-2008, gặp mấy vị Niên Trưởng - Có một vị gọi tôi nhắc rằng:

       Chú còn quên một thành phần ưa dùng "ngôn ngữ tào lao" nữa, chưa thấy "hỏi thăm", đó là quý ông bà "sssướng ...ngôn viên" tại các đài phát thanh và truyền hình Việt Ngữ, đang hoạt động ở hải ngoại (đặc biệt là miền Nam California).

       Tôi thấy lời nhắc nhở của ông anh này ... chí lý, nên đồng ý làm theo để ông anh khỏi buồn lòng -  Đề cập đến các ông các bà này cũng khá tế nhị, vì khi họ là bạn, lúc họ không phải là ...thù.  Nhưng thường tiếp tay cho kẻ thù để hành hạ "lỗ nhĩ" của bà con hải ngoại, bởi thế nếu muốn nói chuyện phải quấy với những người này, ta phải coi đây là một trận đấu....võ mồm, căn cứ vào đó, nên tôi mạn phép quý bạn ghi bài viết này là "Hiệp 2", thay vì "tiếp theo" như bình thường, khi ta muốn nối tiếp một bài viết.
      
Các đài phát thanh Việt Ngữ ở hải ngoại, nhất là ở miền Nam California nhiều vô số kể, trừ một vài đài có tầm vóc.   Ta có gọi là đài cũng còn ...nghe được, nhưng nhiều "cái" nếu gọi là "đài" thì xấu hổ cho "đài" lắm, vì có khi cả tuần lễ "đài" mới nói được mươi phút (còn 50 phút quảng cáo để phần nào nuôi ông hoặc bà chủ "đài") - Vì thế những nhân sự điều hành các đài này rất tùy tiện - Những vị đứng ra thuê giờ để phát thanh, thường thường tự gọi mình là tổng giám đốc, sau đó kiêm luôn xướng ngôn viên và vài ba chức vụ khác, như giám đốc thương mại, giám đốc chương trình v...v.... "Đài" nào bề thế hơn thì chỉ cần có thêm một nhân viên nữa thôi, đó là "đào nhí", hoặc "kép nhí" của vị "giám đốc đương nhiệm", mà thường được ông hay bà giám đốc gọi một cách rất khiêm nhượng (trong tinh thần úp úp, mở mở để người nghe dễ hiểu lầm) là "nhóm chủ trương"- Tất cả những vị này khi xướng ngôn thì làm như mình là trung tâm của nước Việt Nam tỵ nạn, nghĩa là các vị ấy tùy tiện, muốn nói kiểu gì thì nói, có khi họ lại còn "phát minh" những chữ mới, nghe chẳng ra làm sao cả.

       Trước hết, phải kể đến cách phát âm.  Nước nào cũng có cách phát âm riêng của nước đó, nước Việt mình cũng thế thôi, tôi cũng biết phát âm tiếng Việt mình tương đối khó đối với người ngoại quốc học tiếng Việt, nhưng lại rất bình thường với những người Việt sinh ra và lớn lên, đã nói tiếng Việt nhiều năm - Ấy vậy mà các ông các bà ấy khi nói tiếng Việt trên đài thường có tiếng ...gió và đôi khi còn lên giọng ....mũi, in hệt tây, đầm đang ăn bún mắm, chắc quý vị cũng đã nhiều lần nghe phát âm: "quý thính gisảs ....đang theo dooõi ...."

       Tôi không ở trong nghề phát thanh, nên không rõ.  Nhưng nghe bạn hữu kể lại, khi xưa, các đài phát thanh trong hệ thống truyền thanh quốc gia, tuyển xướng ngôn viên kỹ lắm chứ không phải ai cũng làm được, ngoài đòi hỏi phải có trình độ văn hóa nào đó, để có một số kiến thức tổng quát, tránh những sai sót khi đọc tin - Sau đó, người miền nào (Bắc, Nam, Trung) phải phát âm chuẩn theo vùng đó, không cần phải kiểu cọ, õng ẹo sửa giọng, sửa dấu, làm như tất cả đều là người "hà lội" tuốt tuồn tuột!   Chính sau này, người người làm xướng ngôn viên, thành ra những vụ sửa đổi như vậy mới chẳng giống ai - tôi đã có lần nghe một cô đọc quảng cáo trên một chương trình phát thanh: Phở thành ra .... Phỡ, chán ơi là chán - Quý ông bà biết rằng, cái chữ phở dù chúng ta phát âm theo bất cứ miền nào, nó đều có âm hưởng của dấu hỏi cả, nếu người miền Trung, có thể phát âm có hơi hướng dấu nặng vào một chút, nhưng vẫn nghe được là ...phở - Có đâu ra vẻ ta đây, bày đặt sửa giọng thành ra bố láo, bố lếu như vậy - tương tự như hồi nào có cô ca sĩ người miền Nam, muốn hát theo giọng Bắc, đã lên giọng "ngây thơ, nhõng nhẽo" mà ca rằng: "Anh đưa em đi vê ....ề - Về quê hương yêu .....vấu".

       Sửa giọng, sửa điệu, kiểu cách chán chê rồi các ông các bà ấy thấy mấy chữ bọn VC trong nước thường dùng, nghe rất kêu, bèn "bê" luôn vào các quảng cáo ở hải ngoại.  Chẳng hạn có tiệm hay chợ được quảng cáo rằng: "vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi"-  Nghe ngon lắm, có lý lắm, nhưng sự thực người Việt cả Nam lẫn Bắc đều mang "ấn tượng" với câu này, ai cũng sợ cả, vì đây là câu đầu môi chót lưỡi trong mấy cửa hàng "mậu dịch quốc doanh" cộng sản -  Mọi điều đều trái ngược lại, chẳng ai được vui lòng cũng như vừa lòng - Tóm lại, cả khách đến lẫn khách đi, ai cũng muốn văng tục, vì cửa hàng thì chẳng có cái ...củ cải gì để bán cho khách cả, (tôi nhớ đến câu chuyện của Thi sĩ Nguyễn Chí Thiện), nhân viên bán hàng thì mặt lúc nào cũng vác lên, nói năng nhấm nhẳng, coi khách như người đi ăn xin - Câu quảng cáo này là khẩu hiệu thuộc vào hàng bịp "quốc sách" của VC, giống như những câu chúng thường dùng để dụ dân chúng: "đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên", hoặc "vắt đất ra nước thay trời làm mưa" hay "nghiêng đồng đổ nước ra sông" v...v... - Câu thứ hai là: "Trước sau như một", ai ở Việt Nam từ sau năm 1975, chắc thấm thía câu này lắm, thường thường anh em chúng tôi hay diễu với nhau là: "Trước sau như một .... tỷ".  bởi không thể nào tin được bọn cộng sản giữ lời hứa trước sau như một, vì những lời nói việc làm của chúng đối với nhân dân toàn là bịp bợm, nói một đàng, làm một nẻo cả.  Ít nhiều gì quý vị hẳn cũng đã có kinh nghiệm đối với chuyện này, tôi không cần đi vào chi tiết - Cũng may mấy lúc gần đây không còn nghe những câu quảng cáo kiểu này nữa, không hiểu do bà con ta "dị ứng" nên không đến những nơi đó, hay do giới chủ nhân cảm nhận được sự không ổn, vì có tin đồn trong dân chúng là siêu thị này của Phan văn Khải, siêu thị kia của Trần đức Lương v...v..., do đó, vì sợ "bể" nên không dám dùng câu quảng cáo đó nữa chăng ! 

Thật ra chữ và nghĩa những câu này, căn bản nó vẫn như thế thôi, nếu nói và làm đúng như nhau, nhưng nó bị những kẻ bịp bợm, có quyền lực, áp đặt vào những trường hợp ngược lại và bắt dân hiểu theo kiểu của họ, nên mới xảy ra chuyện chữ và nghĩa của hai phe Quốc - cộng chõi nhau - Không phải cố chấp hay vu oan giá họa cho cộng sản đâu, bà con ta hẳn còn nhớ Bí thư thứ nhất Lê Duẩn trong bài diễn văn đọc khi mới chiếm được miền Nam - Sau khi gân cổ phét lác rằng "đất nước ta đã hoàn toàn tự do, độc lập và vĩnh viễn là một nước tự do độc lập, thắng xong giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng lại bằng mười khi xưa ...."  Đến khi đề cập đến cơm no, áo ấm cho nhân dân, ông bí thư phán: "Đừng nghĩ rằng cơm no là cứ phải .....ăn cơm no, áo ấm là phải mặc áo len mới ấm ....rồi ông ta hô hào toàn đảng, toàn dân phấn đấu, để sau kế hoạch 5 năm, sẽ có đủ ....nước chấm cho cả nước" - Tôi không hề phịa, ai có một chút trí nhớ hẳn không quên những chuyện này - Ôi! Đứng đầu một đảng, nắm quyền cai trị quốc gia mà ăn nói như ... Chí Phèo vậy thì làm sao dân nước không điêu linh, khốn khổ.

       Tôi lại lan man mất rồi, đang nói chuyện về mấy ông , bà xướng ngôn viên mà ....
      
 Chuyện kế tiếp là chế chữ mới, theo sự hiểu biết chủ quan của các vị ấy, đại khái: "xin cám ơn sự theo dõi quý báu của quý vị", hay: "mời quý vị thưởng thức đôi ca khúc"..... nghe chẳng ra làm sao cả, nó sượng sượng, lại có vẻ như "cưỡng bức" chữ nghĩa, giống như những ngày đầu tiếp xúc với các "đỉnh cao trí tuệ", ta nghe họ nói "học tập tốt, lao động tốt" vậy - Đáng ghê sợ hơn nữa khi nghe các ông các bà ấy gọi mấy nhạc sĩ dương cầm là "dương cầm thủ" - Xét ra gọi như vậy cũng phần nào có lý đấy, nếu như tôi, chẳng hiểu con mẹ gì về nhạc cả, ngồi vào cây đàn, gõ dăm ba nốt nghịch chơi thì là "dương cầm thủ" được.  Nhưng đối với các nhạc sĩ đánh đàn, đã bỏ biết bao công sức, thì có vẻ coi thường người ta quá - Nói như ông ấy thì sẽ có một lô những "thủ" khác, đại khái "vĩ cầm thủ", "Tây Ban cầm thủ", "Saxophone thủ", "Bầu thủ", "Cò thủ", "Tranh... thủ" v...v... cứ kể hết các nhạc cụ ra, rồi thêm chữ "thủ" vào đàng sau ........ nghe kinh bỏ mẹ!

       Đối với các nghệ sĩ sử dụng các loại nhạc cụ, tôi thiết tưởng chúng ta gọi họ là "nhạc sĩ" cũng chính đáng thôi, vì chưa chắc một ông nhạc sĩ sáng tác đã "ngon" hơn ông nhạc sĩ trình diễn - Tôi mượn tạm hai ông nhạc sĩ sinh sống ở hai miền Nam, Bắc, mà chắc nhiều người đều nghe tiếng, một ông là Đặng Thái Sơn, nhạc sĩ dương cầm, ở miền Bắc, đã chiếm giải nhất về trình diễn nhạc Mozart trong khối cộng sản, được tổ chức tại một nước Đông Âu (tôi không nhớ rõ) - Ông thứ hai là Hoàng Thi Thao, nhạc sĩ vĩ cầm, ở miền Nam, rất nổi tiếng trong cộng đồng Việt Nam, từ hồi còn ở trong nước cho đến khi ra tới hải ngoại .

       Để theo đuổi nghề nghiệp, hai người này đã học nhạc, học đàn từ năm 7,8 tuổi - theo nhiều người đã có kinh nghiệm về học đàn, thì ngoài năng khiếu còn phải khổ luyện, hết giờ học nhạc lý, kỹ thuật thực hành ở trường, mỗi ngày còn phải tập luyện tại gia dăm, bảy tiếng đồng hồ là thường - Ròng rã như vậy cả chục năm trời, mới có thể trình diễn trước công chúng và rồi muốn hay hơn thì việc tập luyện lại càng phải cố gắng và liên tục hơn - Thành một nhạc sĩ trình diễn không phải đơn giản, vì nó đòi hỏi rất nhiều điều kiện, từ cá nhân, gia đình, hoàn cảnh v....v.... chứ không phải dân "cà lơ thất thểu" mà có thể trở thành "người đánh đàn", để ông xướng ngôn viên "cóc cắn" gọi là "dương cầm thủ" một cách rất chi là khinh thường như vậy - Sở dĩ tôi nói dùng danh từ này để gọi nhạc sĩ đánh đàn là khinh thường họ là vì thế này .... Quý vị thấy một anh vừa tấp tểnh bước ra sân banh, chưa là cái gì cả đã được gọi là "cầu thủ" - một anh vừa xin được việc làm dưới tàu (như chân phụ bếp chẳng hạn), đang ngơ ngác xuống tàu đã được gọi ngay là "thủy thủ" - còn nhớ về thời buổi chinh chiến của chúng ta, một thanh niên vừa nhập ngũ, sau khi học lý thuyết, sang tuần lễ thứ hai, ra sân bắn, cầm cây súng trên tay, đương sự được phong ngay cho là "xạ thủ" - Vậy mà một ông chơi đàn piano, sau cả hàng chục năm khổ luyện, tiếng đàn làm chúng ta đê mê, sảng khoái, đúng ra gọi họ là nhạc sĩ rất chính đáng, không có ai "thắc mắc, khiếu nại" gì cả, vậy mà chỉ gọi là "dương cầm thủ", thì thật "đểu" hết chỗ nói.

       Thêm một chuyện bực mình nữa, đó là hạ dấu huyền khi đọc danh tính hay những địa danh, địa phương - nói nôm na ra là các ông các bà ấy đọc tên người, tên nơi chốn bằng tiếng Mỹ mà xuống "xề" một cách rất rùng rợn - Ai đi học tiếng Anh, tiếng Mỹ mà không biết đến "accent" nhưng mà làm gì có cái dấu nhấn quái quỷ mà một số người mình (trong đó có cả các vị xướng ngôn viên) hay phạng vào - San Diegồ - Sacramentồ -San Franciscồ- Westminstờ - Orange Countỳ - Nói chuyện với nhau mà gặp những vị thích hạ dấu huyền kiểu này đã là khó chịu, gặp những vị nói trên đài (thường là được phổ biến rộng rãi, có nhiều người nghe) cũng nói kiểu này, không biết gây khó chịu cho biết bao nhiêu người, hơn nữa người địa phương khi họ nghe được, họ có "hiểu lầm" cộng đồng mình không. Làm sao mà bỏ được?

       Tôi có anh bạn thân cũng vướng phải tật này - Anh ta cho biết rất khó bỏ, vì đã thành thói quen, mỗi khi nói đến những chữ mà mình thường hạ dấu huyền là thuận miệng phát ra, không kềm nổi - Vậy mà trong một dịp tình cơ, tôi hỏi một câu làm anh ta nghẹn, không trả lời được, từ đó về sau anh ta bỏ được tật này. Anh ta cho biết mỗi lúc cần nói đến những chữ anh thường hạ dấu huyền, thì câu hỏi của tôi lại loé lên trong đầu anh, do đó anh kềm lại được.

       Chuyện như thế này - Anh ta đi chiếc Toyota Camry, một hôm anh ghé thăm tôi bằng chiếc xe Corolla của vợ - Anh người cao lớn, trong chiếc Corolla bước ra tôi thấy tức cười - Anh nhìn tôi phân bua: "cái Camrỳ của tôi giao cho bà ấy, tôi phải đi thay nhớt cái Cồrôlà này cho bả" - Tôi biết việc tu bổ xe cộ cho vợ hay con gái là "nhiệm vụ thiêng liêng" của mấy ông chồng, ông bố, đâu dám cười, nhưng nghe anh hạ dấu huyền cho hai loại xe, tôi bỗng nảy ra câu hỏi: "Ông cứ hay hạ dấu huyền - Vậy nếu mai mốt bà ấy mua cái xe Toyota Avalon thì ông tính sao - Bộ ông tính cũng cứ châm dấu huyền vào à ?" - Anh ta đỏ mặt, rồi sau đó quả nhiên bỏ được . ...

       Bàn về chuyện ăn nói vô duyên, vô ý thức và còn nhiều ..."vô" nữa, thì mấy ông bà "phát thanh viên" ở "Thành Cam" này chưa đi tới đâu, so với các vị ở những đài quốc tế.  Chẳng hiểu nguyên do gì mà các đài địa phương ở đây lại đua nhau tiếp vận những đài quốc tế, phát thanh về Việt Nam bằng tiếng Việt, cho đồng bào trong nước nghe - Thôi thì đủ thứ, nào là BBC, RFI, RFA và VOA - Theo họ, mục đích của các đài này là gửi những thông tin chính xác về VN, để mở mang dân trí và để dân chúng VN phần nào biết được những sinh hoạt của thế giới tự do v...v...vì muốn cho dân trong nước dễ tiếp thu, họ phải sử dụng ngôn ngữ (chữ, nghĩa) như trong nước - Như vậy, thay vì muốn cho dân trong nước làm quen, hiểu biết về những sinh hoạt tự do, ngôn ngữ chính xác, mà những người sống ở phần đất tự do đang sử dụng, thì những người trong nước không cảm nhận được gì cả, vì cung cách thông tin, lời ăn tiếng nói ở ngoài phát về, đều giống y ...đài trong nước - Trái lại, những người đang sống tự do ở hải ngoại, được sự ưu ái của các đài địa phương tiếp vận cho nghe, thì tự nhiên được làm quen, được "giáo dục" những ngôn ngữ giống như trong nước ....Có điều nghịch lý là mỗi lúc các ông bà phóng viên đài quốc tế, phỏng vấn người trong nước, nếu người đó không phải là bọn quan chức cộng sản, thì ngôn từ của họ chẳng khác gì những người hải ngoại - Phóng viên (sống ngoài vòng cương tỏa của CS) hỏi họ chuyện gì đó, đề cập đến tên TPHCM - Họ (những người đang sống dưới sự kiểm soát của CSVN) khi trả lời, tỉnh bơ gọi là Sàigòn - Đúng là chuyện ngược đời, nó cho thấy cái hèn của những người gọi là "thế giới tự do", đang sống ngoài chế độ cộng sản.

       Lộ rõ những cung cách thấp hèn, nịnh bợ nhất trong các xướng ngôn viên đài quốc tế, phải nói là những người làm việc cho đài RFI bên Pháp - Không hiểu trong chỗ riêng tư họ có được mua chuộc hay hưởng đặc quyền, đặc lợi gì của CSVN không - Vì những lời nói của họ giống y chang cung cách của các "cán bộ, đảng viên" làm công tác phát thanh của đài cộng sản trong thời chiến tranh lạnh - Họ vẫn có vẻ cay cú với người Mỹ dùm cho bọn VC - Khi đề cập đến các nhân vật lãnh đạo nước Mỹ hay chính phủ Mỹ, họ thường gọi trống không tên của Tổng thống, một cách xách mé và khinh thường, chẳng hạn Bush thế này, Bush thế kia, chẳng có một chữ ông bình thường đứng trước, chứ đừng nói đến chức vụ của người ta nữa, cung cách ăn nói rất thiếu giáo dục- Chẳng phải một Tổng Thống Mỹ bị, mà cả các vị lãnh đạo tinh thần các tôn giáo, đặc biệt là công giáo, cũng bị như vậy - Tôi mới nghe họ nói trổng "diễn văn của Bê-nê-đi-tô 16..", đúng giọng điệu hỗn xược của bọn cộng sản - Sở dĩ tôi nói ra đây vì chưa bao giờ những người cầm quyền cộng sản VN bị họ gọi là Lương, Mạnh, Khải v...v....Còn những chữ họ dùng, hoàn toàn giống VC từ trước năm 1975, chẳng có chút gì là văn minh tiến bộ - Tóm lại, họ là những người mà chúng ta có thể nói rằng: "đỏ hơn cộng sản" - Dù cộng sản bây giờ đang trên đà phá sản vì đã gây ra vô vàn tội ác, nhưng sao họ vẫn tận tụy bênh vực, lại còn nặng lòng thù hận với chúng ta như vậy!

      Nhân tiện khi đề cập đến chữ - nghĩa hai bên Quốc cộng, tôi cũng xin trình bày thêm một trường hợp, mà tôi không biết phân loại đánh giá làm sao - Có một ông nhà văn ở hải ngoại, viết nhiều truyện ngắn hay, nhưng có lần tôi đọc được một truyện ngắn của ông ta, nhân vật chính trong truyện là một thanh niên, ông ta cho anh đi "nghĩa vụ quân sự" vào học trường sĩ quan Thủ Đức, ra trường mang cấp bậc Chuẩn úy.....Một truyện khác, nhân vật chính "ngon" hơn, chàng là bác sĩ, cũng thi hành "nghĩa vụ quân sự" vào làm bác sĩ quân y - Điều gây ngạc nhiên cho tôi hơn nữa là khi hỏi thăm bạn bè, được biết ông ta là sĩ quan cấp Tá của QLVNCH.  Tôi hơi buồn buồn, vì nếu ông ta mang cấp Tá thì là "xếp", là đàn anh của tôi.  Từ đàn anh tôi đến chúng tôi trở xuống thường được "động viên" vào trường Bộ Binh Thủ Đức, ra trường là Chuẩn úy làm Trung đội Trưởng ..... Anh nào có điều kiện vào Đại Học Y Khoa, khi ra trường là bác sĩ, gặp lúc quân đội cần mà trường Quân Y không đủ cung cấp, là có lệnh "trưng tập" vào làm bác sĩ quân y .... Đến đời con chúng ta - Nếu kẹt lại VN, anh em mình ở trong tù, con mình sống dưới sự kiểm soát của VC, chúng nó bắt con cái anh em mình đi "nghĩa vụ quân sự" - Mà này anh ơi!  Thời buổi nhố nhăng ấy, bảo là bị đi nghĩa vụ không đúng đâu, kiểm điểm đấy! chính xác phải nói : "trúng tuyển nghĩa vụ" mới chỉnh....Là đàn anh của tôi, cùng sống trong một thể chế, cũng như hoàn cảnh xã hội, thế mà khi tả những nhân vật trong QLVNCH, thời gian, không gian như vậy, ông anh lại phạng những chữ này vào là sao vậy? - Chưa bàn đến vấn đề ý thức, tôi thấy như vậy là "lạc quẻ" quá! - Chả biết những chữ đó có gì hay ho mà ông anh tâm đắc đến thế?!

       Thưa quý vị, đây là ý kiến của tôi về việc "chữ - nghĩa" của hai bên - có thể đúng và có thể không - có người đồng ý với quan niệm này và cũng có người phản đối -  Có vị cho rằng không cần thiết phân biệt ra như vậy, miễn sao người nghe, người đọc hiểu thì thôi, nhưng cũng có vị đồng quan điểm với tôi phải nói cho "ra ngô, ra khoai" không lập lờ như thế được - Dù đồng ý hay không, cũng xin quý vị bỏ qua những sai sót.

A20 Nguyễn Văn Học – Mũ Nâu Thiện Xạ
5/2011

(Nguồn: http://bietdongquan.com/baochi/munau/munauso18.htm)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét