12.11.19

Anh trở về trên đôi nạng gỗ: (Kỳ 5)



A20 Vũ Ánh

Một kiểu kinh doanh lạ lùng

Ngày thương binh và xã hội năm 1990, Thuận thỏ, Tính, Tuấn và Cả rủ tôi đến nhậu ở nhà một thương phế binh vốn thuộc quân đội Miền Bắc. Tôi hỏi Thuận thỏ:
- Ngày này đâu phải của các cậu?
- Thì mình ăn ké thôi. Cũng như anh, ngày 2-9 đâu phải của bọn mình mà trong trại vẫn được ngả heo?
- Ai nói với cậu vậy?
- Mấy ông anh họ của em cho em biết như vậy, dù rằng rằng chỉ một con heo mà 800 người ăn, mỗi người chỉ được miếng mỡ bằng 2 ngón tay.
- Mà mấy cậu quen hắn ra sao. Tôi nghe nói vẫn còn cái hố ngăn cách rất lớn giữa thương phế binh của hai quân đội mà?
Tính vội nói:
- Ðúng đấy, mặc dù cũng cụt chân, tay, mất mắt như tụi em, nhưng phần lớn đám thương phế binh của miền Bắc vẫn tưởng họ là người chiến thắng, nhưng suy đi nghĩ lại họ cũng là những kể thất bại không hơn không kém. Riêng tụi em thấy Hoàn chơi được, hắn cũng không ưa gì chế độ này và tính tình cũng đàng hoàng.
Hoàn là thương phế binh của Sư Ðoàn 325 Cộng Sản Bắc Việt, bị thương ở Lệ Thanh, Pleiku, năm 1972, được đưa về điều trị tại một quân y viện sát vùng Tam Biên, sau đó được chuyển về nông trường ở miền Bắc Căm Bốt. Sau ngày 30 Tháng Tư 1975, Hoàn được chuyển về quê hương Hải Phòng của anh ta. Lúc đó, việc di chuyển từ miền Bắc và miền Nam bị chính quyền quân quản cấm. Chỉ có những ai phải công tác ở trong Nam mới được vô. Tuy nhiên, những thương phế binh như Hoàn, mất một chân, một tay, một mắt thì chẳng còn kể số gì. Nghe nói miền Nam dễ kiếm ăn, Hoàn leo tàu vào Nam năm 1977, tìm được một bà cô di cư vào Nam năm 1954.
Căn nhà tôn vách gỗ ở con đường nhỏ Phó Ðức Chính bên hông trụ sở quận Bình Thạnh là của bà cô. Bà làm giấy bán lại, nhưng thật ra là cho Hoàn trước khi bà và gia đình vượt biển. Buổi tối khi chúng tôi đến nhà Hoàn thì mọi thứ đã được chuẩn bị xong: Tiết canh vịt, cháo và vịt cà-ri. Tuấn đưa mấy chai rượu dởm ra thì Hoàn ngăn lại:
- Không, hôm nay chơi thứ nếp than Cái Bè thứ thiệt. Có quan bác này lại chơi thì không thể dùng thứ “bật ngửa” được. Các cậu để tôi lo hết.
Tôi tự giới thiệu với Hoàn một tên và chút lý lịch. Hoàn cười:
- Thế ra quan bác cũng bóc tới mười ba cuốn cơ à. Còn nhẹ đấy bác à, bọn nó thù dai khiếp lắm. Ông dượng em làm việc cho hãng rượu của Tây ở Hải Phòng, nhưng kể lại là sau 1954 sau Hiệp Ðịnh Giơ-ne-vơ phải đi cải tạo tới 4 lần tính ra cũng phải mười bảy, mười tám năm, hết đời mẹ nó rồi còn gì nữa. Ấy vậy mà ông ấy mới chết cách đây vài năm.
Khi chúng tôi ngồi vào bàn thì Hoàn nói:
- Tụi em chơi thân với nhau vì đồng cảnh, bình đẳng nhau, chẳng đứa nào dựa vào đứa nào cả. Què cụt thì che chở mình chẳng xong, còn che chở cho ai được. Chơi vì cái tình với nhau. Nói thật, em chỉ có hơn bọn thằng Tín là không phải ôm nhang hay vé số đi năn nỉ người ta mua. Ngược lại em kinh doanh dịch vụ đấy. Nghe lạ không. Nói quan anh đừng cười, em làm cái nghề mà trên thế giới chắc chưa có ai làm: Bán quần áo lót cũ của phụ nữ. Lúc đầu còn ngon lành nhưng bây giờ thì ế hàng.
Theo lời Hoàn giải thích thì sau khi bà cô vượt biển rồi, anh ta cũng bị làm khó và đuổi ra khỏi căn nhà này, nhưng Hoàn đã lấy què cụt ra làm vũ khí và chính quyền thắng trận cũng thua cái lì của Hoàn. Ðầu tiên cũng đi bán nhang nhưng chỉ nội cái giọng của bộ đội miền Bắc không thôi, Hoàn cũng khó lòng mở rộng “thị trường” nên anh ta nghĩ ra một kế. Hoàn kể:
- Ðầu tiên em đi buôn quần áo cũ về, mướn người giặt ủi rồi dựng biển ở ngoài ngõ. Quần áo đã tã nhưng vẫn còn người mua. Sau đó em nghĩ tới chuyện quần áo lót phụ nữ. Lúc đó, phụ nữ Sài Gòn cũng vẫn còn thích loại quần áo lót ngoại, nhất là của Pháp. Nhưng mua mới thì không thể có được nên em tìm mua những quần áo lót cũ mà phải là hàng Pháp đem về giặt tẩy cho thật sạch, rồi bán lại. Vậy mà hàng bán rất chạy.
- Nhưng bây giờ hàng tàu viễn dương mang lậu về thiếu gì, làm sao cậu sống?
- Thì nghề lạ lùng ấy cũng chỉ được một thời gian thôi. Bây giờ em cho thuê và bán báo ngoại.
- Làm sao cậu có nguồn báo?
- Bọn thủy thủ tàu viễn dương hay bọn làm hải quan. Em có thằng bạn thân làm ở Tân Sơn Nhất. Nó cứ quẳng cho em. Lại nhờ mấy ông anh nào biết tiếng Anh, tiếng Pháp nói cho biết ý nghĩa của từng bài báo. Bài nào có lửa em cắt riêng, sao chụp lại rồi đi rỉ tai cho những người trí thức nào cần đọc thì đến em. Anh nào thích sách báo có hình bậy bạ, cũng đến em, em có đủ cả. Lát nữa khi về, bác có muốn đọc “Tai” tiếc gì (TIME) cứ vô nhà trong có đủ cho bác, bảo đảm bác sẽ thích.
- Giá cả thuê sách báo ra sao?
- Ấy đây là chuyện dài trong dịch vụ của em. Tùy mặt mà bắt hình dong anh à. Thấy một ông nào mặt mũi sáng sủa có vẻ trí thức, em biết ngay là cần đọc những thứ báo “có lửa”. Thấy một anh có vẻ ngố, nói năng dấm dớ là em biết là đi tìm “boi” (Playboy) hay “hao” (Penhouse). Thứ này em tính nặng lắm, thuê một hình, ngày ngàn rưởi nhưng phải thế chân ba ngàn vì sợ nó ẵm đi luôn. Còn một bài báo “có lửa” thì tùy mức độ, em lấy từ năm trăm đến một ngàn đồng ngày. Em mua cả những sách cũ trước 1975, rồi đi photocopy, đóng lại cho thuê. Phải giữ bản chính vì sợ người ta lấy đi luôn. Ðây dịch vụ kinh doanh của em chỉ có thể, nhưng em khá hơn và đỡ vất vả hơn bọn thằng Tính thằng Thuận thỏ.

An Pha  (A20 Vũ Ánh)
(Còn tiếp)
(Bài viết đăng trong mục “Sổ tay Cựu Chiến Binh” trên báo Người Việt ngày thứ Ba 05-04-2005)
(Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=37560)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét