13.11.19

Anh trở về trên đôi nạng gỗ (Kỳ 9)




A20 Vũ Ánh


“Chỉ tại tao mất hai chân thôi”

Cổn hơn các bạn đồng cảnh khác là ở anh không phải sống trên vỉa hè. Anh thuê được một chiếc ghế bố trong căn nhà ở cái ngõ hẻm chỉ cách rạp Cao Ðồng Hưng 2 khu phố, chủ nhà của Cổn là một bà cô họ. Con hẻm rộng chỉ vừa cho một chiếc xe đạp lọt qua, nhưng khi vào trong thì được nới rộng ra thêm. Theo bà cô của Cổn, trước ngày 30 Tháng Tư năm 1975, hẻm ngoài không hẹp như thế, nhưng hai bên hẻm có khoảng đất trống bị một số thương phế binh cắm dùi. Ðầu tiên họ cất lên hai căn nhà tạm bằng gỗ, nhưng sau họ bán lại cho người khác miếng đất này. Người chủ mới cất hai căn nhà gạch rồi lại còn lấn thêm vào ngõ hẻm nên mới làm cho phía ngoài con hẻm này thì hẹp mà phía trong vẫn như cũ, rộng rãi hơn.
Người trong ngõ gọi ngõ hẻm của họ là “Ðiểm Du Lịch Số 10”. “Tại sao họ lại gọi như thế?” Tôi hỏi Cổn và được anh giải thích:
- Có gì đâu anh. Con số 10 là con số bù, những căn nhà trong xóm cả mười mấy năm nay không được sửa sang hay quét vôi lại, tất cả những điều kiện về vệ sinh cũng đều là số 10 hết. Nhưng anh thấy trước mắt và phía bên kia đường thiên hạ say sưa tự biến những căn nhà ba từng lầu của họ thành khách sạn mini để đón khách Việt kiều. Những khách Việt kiều sành sỏi thường chọn các khách sạn kiểu nhỏ năm bảy phòng, có khi chỉ vài ba phòng cho thuê khoảng từ 10 đến 20 đô la một ngày. Do có sự đối chọi của những căn nhà bên kia phố khiến cho người dân trong hẻm này gọi đó là Ðiểm Du Lịch Số 9 còn bên này là “Ðiểm Du Lịch Số 10”.
Cổn cười và nói thêm “Nhất chín nhì bù mà anh”. Tôi an ủi Cổn:
- Ðời mình còn nhất chín nhì bù nữa mà. Từ nhà ra ở đường phố chỉ cần bước qua khung cửa hẹp mà thôi cậu ạ.
Căn nhà bà cô họ của Cổn cũng là một loại nhà trọ. Căn nhà trệt cũng khá lớn, nhưng mặt ngoài tiều tụy với những khung cửa số và cửa ra vào đã mối mọt lung tung, song cửa sắt rỉ sét không sơn phết gì. Hàng hiên rộng chứa đầy những quang gánh của các bạn hàng chợ gởi nhờ. Bà cô họ của Cổn năm đó khoảng 60 ngoài có chồng trước đây là thiếu úy cảnh sát. Sau ngày 30 Tháng Tư năm 1975, ông trình diện cải tạo và khi lên trại Bù Gia Mập được hai năm thì chết vì sốt rét ác tính. Hai ông bà lấy nhau không con cái, nên cái chết của ông chồng khiến bà cô của Cổn như hụt hẫng khi tuổi già sập tới. Bà sống cô độc và lúc còn khỏe kiếm ăn bằng nồi canh bún bán cho giới lao động ở chợ Bà Chiểu. Nhưng sức khỏe bà yếu dần và bà nghĩ ra cách biến căn nhà của mình thành nhà trọ không có phòng riêng, chỉ có ghế bố. Sau một ngày lao động, khách về đây thuê chỗ ngủ. Họ nhận ghế bố và có thể kê bất cứ chỗ nào trong khu vực bên phải căn nhà, khu vực trái diện tích hẹp hơn dành cho chủ nhà. Giá một đêm tại khách sạn ghế bố này là 100 đồng, sau tăng dần lên đến 300 đồng một ngày. Lúc Cổn từ miền Trung vào Sài Gòn, anh phải sống trên đường phố một thời gian, nhưng sau khi Cổn giải hòa được với gia đình, người chị cả của Cổn cho biết địa chỉ này của người bà con. Cổn cũng được bà cô phát cho chiếc ghế bố nhưng chỉ phải trả 50 đồng một đêm.
“Khách sạn” mà Cổn lưu trú là nhà ở biến thành nhà trọ đầu tiên trong xóm, sau đó những nhà khác cũng bắt chước và cả xóm từ trong ra ngoài đều có thể trọ, ghế bố cũng có và phòng nhỏ riêng biệt cũng có, tùy giá tiền. Khách trọ phần lớn là những người sống bằng những nghề mọn trên đường phố và thân nhân từ các tỉnh lên Sài Gòn nuôi bệnh nhân tại hai bệnh viện Nguyễn Văn Học và bệnh viện Ung Bướu, hoặc những bệnh nhân phải chờ để nhập viện. Dần dà, Ðiểm Du Lịch Số 10 trở nên phổ biến.
Bà cô của Cổn cho bọn chúng tôi mượn cái sân nhỏ phía sau nhà để ăn nhậu và tán dóc. Cũng trong buổi gặp gỡ này, chúng tôi nói chuyện với nhau về đời tư của nhau nhiều hơn, từ chuyện vợ con, chuyện tan vỡ cho đến những chuyện “châu về hiệp phố” rồi chuyện liên quan đến kiếm kế sinh nhai đến, những ước mơ to lớn đặt trên những tờ giấy số, hoặc tờ ghi đề.
Khi đã hơi ngà ngà, Thủ hỏi Cổn:
- Giả dụ bây giờ mày trúng số độc đắc thì việc trước tiên của mày là làm gì nào?
Cổn gạt phắt câu hỏi của Thủ:
- Thôi đi mày ơi, tài khôn hoài. Nghe câu hỏi của mày tao biết mày muốn đâm hơi hay xóc óc người ta rồi.
- Nhưng cậu Cổn phải trả lời vào câu của thằng Thủ chứ. Nó hỏi đứng đắn đấy.
Cổn suy nghĩ trong giây lát nói như chỉ trả lời tôi chứ không phải Thủ:
- Em có thể nói thẳng ra rằng việc trước tiên là em phải dùng tiền để chỉnh hình cái đã. Từ lâu em mơ ước có một đôi chân giả cho thật đàng hoàng. Em nghe nói bọn Mỹ bây giờ làm chân giả hay lắm, đi như người thường. Dĩ nhiên là giá cả mắc lắm, nhưng em trúng số mà lo gì, bất quá cũng vài ba ngàn đô la thôi. Tướng em có đôi chân giả, mặc quần dài vô, lại có tiền nữa thì đâu đến nỗi, phải không?
Thủ cay cú:
- Lo gì chân giả mày, lúc đó mày đâu cần thứ đó. Cái chân cụt của mày mà có tiền đắp vô là nó thành vàng liền, lúc đó mày đến nhà ông bà nhạc hụt của mày, để một bao bạc ở cửa rồi lẳng lặng về đây, tao bảo đàm ổng bả sẽ từ Nha Trang vô đây kiếm mày năn nỉ gả cô con gái út của ổng bả cho mày không chừng.
Cổn chồm lên:
- Mẹ, mày đừng có ăn nói học theo cái thói xỏ xiên đó. Ổng bả vô tội, con bé hôn thê của tao cũng vô tội. Chỉ tại tao mất hai chân thôi. Ðịa vị mày có con gái lớn mày có chịu gả cho một thằng như tao không?
“Chỉ tại tao mất hai chân thôi”... Câu nói của Cổn làm mọi người trong cái bàn tiệc nhỏ này bỗng im lặng, giống như một cuốn băng vọng cổ mà kép chính đang bén giọng sáu câu, bỗng nhiên băng bị đứt ngang. Tôi, Tính, Thuận thỏ, Cổn và Bái đều im lặng. Dù không ở trong số những người không may nơi chiến trận như họ, nhưng câu nói của Cổn cũng làm tôi như muốn nghẹn ở cổ họng. Lửa đạn thì giống nhau, nhưng khi đi hết một đoạn đường của cuộc chiến thì thân phận của những người lính không giống nhau. Những người lính nằm xuống đã yên phận của họ, người còn sống nhưng thiếu một vài cơ phận trên người, họ vẫn phải sống, vẫn phải mưu sinh, vẫn phải chứng kiến sự mất mát, thiệt thòi lớn lao nhất của tuổi trẻ.
Tôi ngồi im một lúc rồi lặng lẽ đứng lên. Tôi thấy sự cần thiết của việc không nói thêm gì nữa vào lúc ấy. Tính, Thuận thỏ, Bái cũng đứng lên theo. Chúng tôi nắm tay nhau siết mạnh. Khi ra tới cửa, tôi ôm Cổn, vỗ nhẹ vào vai anh nói nhỏ: “Vãn tuồng là vừa, đừng buồn, chúng tôi rất thương cậu. Mai gặp uống cà phê trước khi tôi vào trình diện để bổ củi ở phường như mọi năm”.
Bữa ăn tuy thất bại, nhưng khi ra khỏi con hẻm, tôi cảm thấy người nhẹ nhõm hơn. Chúng tôi quay lại rạp Cao Ðồng Hưng.
Phần đông những thương phế binh mà tôi gặp tránh nói đến những kỷ niệm ngòai chiến trường trong hòan cảnh này. Lý do được Tính giải thích:
- Nói ra cũng đau chứ anh. Mỗi thằng bọn mình đã một thời tôn thờ lý tưởng. Nhưng hòn tên mũi đạn có khi không cho mình làm theo ý muốn của mình. Sau ngày 30 Tháng Tư 1975, nói thật em lo lắng gia đình quá thành thử cũng chưa đủ thì giờ thấm. Sau này, khi bị ngược đãi ở chế độ mới này mới thấm cuộc chiến. Trở về với thân thể như thế này và không còn được bảo vệ nữa, làm gì để sinh sống. Những năm đầu em muốn điên lên được. Những năm sau này sống thanh thản hơn và bám được vào số phận của mình.
Tôi biết rằng, có đôi lúc vào gần những ngày mà chúng tôi lại phải xem lại những thất bại của mình, không ai trong chúng tôi kể cả kẻ lành lặn lẫn què cụt dù cố quên cũng vẫn không sao quên được. Ngày mai tôi lại ôm chăn mùng vào khu tập trung trong nội vi của trụ sở phường. Vào thời điểm ấy, họ cũng không còn hành hạ tinh thần tôi bằng nghe những lời rao giảng chán ngắt nữa, và thay vào đó chúng tôi mỗi người chẻ một thước củi. Buổi tối khi chúng tôi tắm rửa xong, chàng cán bộ giáo dục trên Mặt Trận Tổ Quốc xuống cho vài bao thuốc, có khi vài gói kẹo hay là một nồi chè để tra công cho những thước củi mà chúng tôi chẻ và xếp ngay ngắn trong cái sân sau của trụ sở phường. Anh cán binh này cũng chẳng phải là lọai hiểu biết gì hơn và dường như anh cũng chán nói chuyện chính trị.
(Còn tiếp)

An Pha  (A20 Vũ Ánh)

(Bài viết đăng trong mục “Sổ tay Cựu Chiến Binh” trên báo Người Việt ngày thứ Ba 03-05-2005)
(Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=37560)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét